Chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình kỹ thuật số có thể khó khăn. Nhưng ngay cả khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn, vẫn có một số cách đưa dự án của doanh nghiệp trở lại bình thường.
Nếu được thực hiện đúng cách, chuyển đổi số có thể thay đổi cơ bản cách thức hoạt động của một doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận đáng kể về tài chính và hoạt động. Nhưng việc chuyển từ cách làm việc truyền thống sang các quy trình mới, dựa trên công nghệ cũng mang lại các lỗi phổ biến có thể gặp như: chi quá nhiều ngân sách, có quá nhiều việc mà doanh nghiệp có thể xử lý và có khoảng cách giữa đổi mới và thực thi.
Chuyển đổi số không chỉ là một ý tưởng sáng tạo, mà còn là việc triển khai một quy trình kinh doanh mới, được tư duy nhằm thay đổi cách doanh nghiệp hoạt động theo hướng hiệu quả. Nếu quá trình này không được bảo đảm, nó có thể dẫn đến hỗn loạn. Nếu đang cân nhắc về việc phải làm gì tiếp theo, thì đây là một số điều Doanh nghiệp có thể thực hiện để đưa chuyển đổi số trở lại đúng hướng.
Xác định gốc rễ của vấn đề và lập kế hoạch khắc phục
Có rất nhiều thay đổi diễn ra khi một doanh nghiệp bắt đầu chuyển từ cách làm truyền thống sang cách làm kỹ thuật số, hiệu quả hơn. Sự thay đổi này liên quan đến ngân sách, thời gian, tăng trưởng nhân sự và những thay đổi về thủ tục.
Rodney Zemmel, nhà lãnh đạo toàn cầu của công ty tư vấn McKinsey Digital cho biết: "Chuyển đổi số và công tác phân tích thường được triển khai trong các tổ chức, liên quan đến nhiều phòng ban và bên thứ ba. Các yếu tố mềm như kỹ năng, tư duy và cách làm việc, cũng như các yếu tố cứng như công nghệ, cơ sở hạ tầng và luồng dữ liệu, tất cả đều được thay đổi cùng một lúc".
Với rất nhiều vấn đề như vậy, điều quan trọng là phải xác định chính xác nguồn gốc của vấn đề, sau đó hãy lập một kế hoạch khắc phục nhanh chóng.
Monika Sinha, nhà phân tích chính tại Gartner trao đổi với ZDNet cho biết: "Đầu tiên, hãy xây dựng các kế hoạch bằng cách sử dụng các tình huống dự báo các rào cản có thể xảy ra khác nhau và cách Doanh nghiệp có thể vượt qua hoặc phục hồi từ chúng. Điều này giúp xoay trở nhanh chóng, giảm thiểu tác động tiêu cực vì doanh nghiệp có các lựa chọn sẵn sàng để thực hiện".
Đánh giá lại kế hoạch chuyển đổi số của doanh nghiệp
Không có kế hoạch chung cho cách thực hiện chuyển đổi số trong một doanh nghiệp. Chuyển đổi số có thể có những ý nghĩa khác nhau đối với các công ty, ngành công nghiệp khác nhau và dự án mà công ty, ngành đang được áp dụng. Chuyển đổi số có thể bao gồm mọi thứ từ điện toán đám mây, đến IoT và dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Do đó, ý tưởng Chuyển đổi số của công ty này có thể hoàn toàn khác với ý tưởng của công ty khác, cả về ứng dụng và thực thi.
Zemmel trao đổi thêm: "Một phương thức thất bại là phổ biến, hay một phương thức thành công là chưa đủ. Mỗi người trong nhóm lãnh đạo cần tạo ra bản đồ số của riêng họ. Những gì doanh nghiệp đạt được, 6 tháng hoặc 1 năm sau, là nhiều dự án thử nghiệm kỹ thuật số trong toàn bộ tổ chức".
Nếu Doanh nghiệp tự đặt câu hỏi mọi thứ đã sai ở đâu, hãy đánh giá lại xem nhóm lãnh đạo vẫn đang cùng quan điểm về ý nghĩa chính xác của việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp.
Paul Silverglate, phó chủ tịch công ty tư vấn Deloitte LLP cho biết: "Chuyển đổi số là một thuật ngữ thực sự rộng. Rõ ràng về mặt ý nghĩa đối với tổ chức và cách tổ chức sẽ làm gia tăng giá trị cả về mặt định lượng và chất lượng. Đây là điều rất quan trọng".
Đảm bảo các thay đổi nằm trong phạm vi những gì doanh nghiệp có thể thực hiện
Mặc dù thay đổi có thể hấp dẫn, nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng cần phải tối ưu hóa mọi khía cạnh của doanh nghiệp cùng một lúc. Cố gắng làm như vậy có thể khiến các doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều hơn những gì họ có thể xử lý.
Có nhiều quy mô khác nhau của các dự án chuyển đổi số và điều quan trọng là một công ty phải xác định chính xác những gì họ đang cố gắng tối ưu hóa - và tập trung dự án cho phù hợp.
Raj Sharma, Phó chủ tịch tư vấn của EY Americas trao đổi với ZDNet cho biết: "Chúng ta thường thấy triển khai công nghệ vị công nghệ. Cốt lõi của mọi chuyển đổi công nghệ là một vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết. Vì vậy, các nhà lãnh đạo cần phải hiểu rõ vấn đề cơ bản là gì, tại sao việc chuyển đổi được thực hiện và giá trị cho doanh nghiệp là gì".
Hãy đánh giá lại những gì bạn cần tập trung và những gì có thể bỏ đi. Xem xét lại các mục tiêu doanh nghiệp đã xác định khi bắt đầu kinh doanh và xem giải pháp nào sẽ đưa bạn đến đó. Doanh nghiệp có thể bắt đầu với những trường hợp nhỏ và từ đó chuyển sang những trường hợp lớn hơn.
Silverglate cho biết thêm: "Bạn cần một tầm nhìn táo bạo để tạo ra sự thay đổi mang tính chuyển đổi. Nhưng các nhà lãnh đạo cần phải chia nó thành những phần có ý nghĩa mà tổ chức có thể tiếp thu, thay đổi một lần. Các nhà lãnh đạo cần tiếp cận chuyển đổi số với tư duy tạo ra giá trị".
Đảm bảo doanh nghiệp có nhóm công tác phù hợp để đưa chuyển đổi số vào thực tiễn
Khi bắt tay vào bất kỳ dự án kinh doanh nào, bạn cần có đội ngũ phù hợp đứng sau. Điều này không chỉ bao gồm các kỹ sư và những người có kỹ năng để ghép các phần kỹ thuật của dự án lại với nhau.
Sinha nói: "Các nhóm CNTT thực hiện công tác chuyển đổi số trở nên quá tập trung vào việc mang lại khả năng công nghệ hơn là bản thân sự thay đổi. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là những người có thể hướng dẫn công ty thông qua sự thay đổi mang tính chuyển đổi.
Silverglate cho biết thêm: "Khi tôi chỉ định người vào nhóm chuyển đổi số, họ phải có cả ba điểm: phải có kỹ năng, có thời gian và phải có niềm đam mê. Trong đó, niềm đam mê thực sự quan trọng".
Theo Silverglate: "Tìm được những ngôi sao và những người giữ gìn văn hóa trong doanh nghiệp thực sự có thể giúp thúc đẩy sự thay đổi và khiến họ tham gia vào chương trình hoặc dự án. Điều này tạo ra một tín hiệu thực sự lớn cho công ty khi bạn đã chọn những người thực sự có giá trị và bạn đưa họ vào một dự án".
Tạo không gian để đối thoại cởi mở
Khi mọi việc diễn ra không như ý muốn, điều quan trọng là phải có một không gian để nhân viên cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những mối quan tâm của họ. Nếu không có sự giao tiếp phù hợp, nhân viên sẽ bỏ cuộc hoặc tiếp tục cảm thấy bối rối. Khi một dự án thất bại, công ty không phải là người duy nhất trải qua sự mất mát - nhân viên cũng có thể cảm thấy điều đó một cách cá nhân.
Sharma nói: "Khi quá trình chuyển đổi số không diễn ra như kế hoạch, ưu tiên là tập trung vào con người của doanh nghiệp. Mọi người đã tạo ra sức mạnh cho sự chuyển đổi và sẽ cảm thấy áp lực về sự thất bại hay thành công của chuyển đổi số".
Xây dựng một cộng đồng trong đó tất cả các thành viên đều có không gian an toàn mà họ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ suy nghĩ của mình sẽ giúp doanh nghiệp rút ra những bài học từ những sai lầm của mình, tiến lên và giúp doanh nghiệp dễ dàng vượt ra khỏi cái hố mà doanh nghiệp tự tìm thấy.
Trong khi đó, Monika Sinha cho biết thêm: "Việc phát triển một cộng đồng gồm các chuyên gia lĩnh vực, chuyên gia công nghệ, khách hàng, đối tác kinh doanh và các bên liên quan trong hệ sinh thái có thể mang lại những thông tin quan trọng giúp định hình sự chuyển đổi và công nghệ cần thiết để mang lại kết quả".
Theo ICTVietnam